Chia sẻ

Tre Làng

Ứng xử lệch chuẩn của cô giáo và bài học về văn hóa ứng xử trong giáo dục

Lâm Trực@

Thanh Hóa, 30/9/2024 - Vụ việc cô giáo Trương Phương Hạnh, giáo viên chủ nhiệm lớp 4/3 tại Trường Tiểu học Chương Dương, TP. Hồ Chí Minh, đã gây xôn xao dư luận không chỉ bởi hành động xin tiền phụ huynh để mua laptop, mà còn bởi những phát ngôn gây tranh cãi, thể hiện sự lệch chuẩn văn hóa trong giao tiếp và ứng xử trong một cuộc họp với phụ huynh học sinh. 

Cô giáo Trương Phương Hạnh trong vụ xin tiền phụ huynh mua laptop - Ảnh: Mỹ Quỳnh

Cụ thể, trong đoạn ghi âm tại buổi họp, cô Hạnh đã thẳng thừng tuyên bố: "Tính tôi thẳng thắn nên người ta không thích tôi. Chỉ những phụ huynh hiểu chuyện, có ăn học mới thích tôi thôi. Tôi chỉ giao du với những phụ huynh đó, còn những phụ huynh đầu đường xó chợ tôi không giao du." Đây là phát ngôn gây sốc, không chỉ phân biệt đối xử mà còn thể hiện sự khinh miệt đối với những phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn hoặc những người thuộc tầng lớp lao động.

Là một giáo viên, trách nhiệm của cô là đối xử công bằng và tôn trọng tất cả phụ huynh và học sinh, không phân biệt địa vị xã hội hay trình độ học vấn. Thay vì tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với phụ huynh để cùng hỗ trợ trong quá trình giáo dục học sinh, cô Hạnh lại dùng những lời lẽ xúc phạm, mang tính phân biệt, điều này không chỉ làm tổn thương phụ huynh mà còn vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Trong một môi trường giáo dục, sự tôn trọng và hợp tác giữa giáo viên và phụ huynh là điều thiết yếu để tạo ra môi trường học tập lành mạnh và hiệu quả cho học sinh. Việc kỳ thị những người có hoàn cảnh khó khăn không chỉ phản ánh thái độ thiếu văn minh mà còn trái ngược với sứ mệnh của giáo dục là bình đẳng và khai sáng.

Không chỉ dừng lại ở phát ngôn không đúng mực, cô Hạnh còn lớn tiếng, la hét trong cuộc họp khi bị chỉ trích, và thậm chí tuyên bố rằng mình không sai. Hành vi này cho thấy cô không thể kiểm soát được cảm xúc và thiếu kỹ năng giao tiếp trong các tình huống căng thẳng. Điều này đặt ra câu hỏi về sự chuyên nghiệp của cô trong vai trò người đứng lớp, bởi giáo viên cần phải có khả năng lắng nghe và giải quyết mâu thuẫn một cách bình tĩnh và khôn khéo, thay vì phản ứng bằng cách lớn tiếng và xúc phạm người khác.

Liên quan đến việc cô xin tiền phụ huynh để mua laptop, cô Hạnh đã biện minh rằng do bị mất máy tính cá nhân và cần có máy để phục vụ công tác giảng dạy, nên cô đã đề xuất phụ huynh đóng góp tiền để mua máy tính mới. Tuy nhiên, điều này vi phạm quy định về việc thu tiền từ phụ huynh. Dù cô cho biết đã tổ chức một cuộc bình chọn để tìm lý do từ chối nhận tiền, việc này cho thấy sự lúng túng và thiếu minh bạch trong cách giải quyết vấn đề. Thay vì tuân thủ quy định của nhà trường ngay từ đầu, cô lại tìm cách để hợp thức hóa hành động lệch chuẩn của mình, khiến nhiều phụ huynh cảm thấy không hài lòng và mất niềm tin.

Vụ việc đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, khi nhiều phụ huynh quyết định không cho con đến lớp sau khi biết về các phát ngôn và hành vi của cô Hạnh, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi học tập của học sinh và tạo ra sự căng thẳng trong quan hệ giữa phụ huynh và nhà trường. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chương Dương, ông Lê Công Minh, đã lên tiếng xác nhận rằng nhà trường không bao che cho hành vi của cô Hạnh và đang trong quá trình xử lý vụ việc. Cô giáo Hạnh cũng đã bị đình chỉ công tác để làm rõ sự việc.

Vụ cô giáo xin tiền phụ huynh để mua laptop, và dỗi khi không được thỏa mãn nhu cầu đã tạo một trend tiêu cực trên mạng xã hội là cản báo nghiêm túc ngành giáo dục về việc ứng xử văn hóa và trách nhiệm nghề nghiệp. Giáo viên không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn là tấm gương về đạo đức và hành vi cho học sinh noi theo. Mọi hành động và phát ngôn của giáo viên, dù là trong lớp học hay ngoài đời, đều ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển tâm lý và nhận thức của học sinh. Việc duy trì thái độ tôn trọng, bình đẳng và khéo léo trong giao tiếp không chỉ giúp giáo viên xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với phụ huynh mà còn góp phần tạo ra một môi trường giáo dục lành mạnh và bền vững.

Như John Dewey, triết gia nổi tiếng về giáo dục, và là nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ từng nói: "Giáo dục không phải là sự chuẩn bị cho cuộc sống; giáo dục chính là cuộc sống." Mỗi lời nói và hành động của người thầy chính là bài học trực tiếp cho học sinh, và sự công bằng, tôn trọng chính là nền tảng để xây dựng một nền giáo dục tiến bộ.

27 nhận xét:

  1. Nữ giáo viên cho biết thêm hiệu trưởng khi biết được sự việc đã chỉ đạo cô không được nhận tiền hỗ trợ của phụ huynh. Đến ngày 16/9, cô Hạnh đã tạo một bình chọn trên nhóm lớp (đồng ý và không đồng ý hỗ trợ tiền mua máy tính cho giáo viên).
    Đã có chỉ đạo từ ban giám hiệu, vì sao cô không từ chối ngay mà phải tạo bình chọn?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Việc xin xỏ, vòi vĩnh đã không phù hợp. Nhưng khi không được như ý lại có thái độ rất kì, giận dỗi, không làm tròn trách nhiệm dạy dỗ, soạn đề cương, giáo án. Trách nhiệm dạy học lại bị đem ra để mặc cả, yêu sách món nọ, món kia hay sao? Không biết cô giáo làm nghề bao năm rồi mà hồn nhiên vậy?

      Xóa
    2. Tôi nghĩ người lao động (cô) phải được người sử dụng lao động (Trường) trang bị công cụ lao động. Tôi thấy rất nhièu giáo viên sử dụng laptaop cá nhân để soạn giáo án, đi dạy. Tôi đang thắc mắc điều này đúng hay sai. Về phần cô giáo trên tôi không có ý kiến. (Tôi là một phụ huynh).

      Xóa
  2. Theo lời kể vô tư của học sinh, không những thế, cô này còn bán đồ ăn uống như xúc xích, mì gói, nước ngọt trong lớp. Học sinh vừa học bài vừa ăn; hay có lúc cô mở Youtube, học sinh ngồi dưới làm bài, còn cô thì ngồi trên ăn. Ngày xưa có câu "cô giáo như mẹ hiền", nhưng đối với cô này chắc là mẹ thiên hạ luôn rồi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhiều học sinh thấy vậy cũng lên nói "Cô ơi con đói quá, cô nấu cho con gói mì". Một hộp mì và một cây xúc xích là 20.000 đồng. Các học sinh đến trường sớm thường không kịp ăn sáng, cũng không kịp chuẩn bị đồ ăn. Còn có thông tin là học sinh nào không mua đồ ăn với cô thì phải mang đồ ăn tự chuẩn bị ra khỏi lớp, không được ăn trong lớp

      Xóa
    2. Trường nên quan tâm hỗ trợ giáo viên hết mức để họ có thể yên tâm giảng dạy chứ không phải động tí là cho họ nghỉ. Ngành giáo dục cần tăng lương, hỗ trợ công cụ giảng dạy như laptop hoặc máy tính bàn cho giáo viên chứ không phải để giáo viên tự thân vận động như vậy.

      Xóa
  3. Sau khi có 3 phụ huynh bày tỏ ý kiến không đồng ý, cô giáo đã hỏi: “Phụ huynh của bé nào?”. Giải thích vấn đề trên, cô Hạnh nói trong lớp có 38 phụ huynh nhưng nhóm lên đến 47 người nên cô giáo "không biết ai là ai". Giờ thì may quá cô bị đình chỉ công tác rồi, không thì chẳng biết cô sẽ có hành vi gì với các bé có phụ huynh không đồng ý nữa

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bản thân cô bị mất laptop là chuyện cá nhân, sao lại kêu gọi phụ huynh, trừ khi em học sinh nào phá phách làm hư laptop thì phụ huynh góp lại hỗ trợ, chứ tự nhiên cô bảo cô mất nên phụ huynh phải sắm máy mới. Năm sau cô quen tật cô tiếp tục xin thì như thế nào

      Xóa
  4. Phần lớn dư luận đều lên án hành vi này vì nó đi ngược lại với đạo đức của người thầy. Việc xin tiền phụ huynh để phục vụ mục đích cá nhân là không thể chấp nhận được. Thật sự là bây giờ ngành giáo dục có rất nhiều vấn đề, giờ xuất hiện những vụ việc như vậy làm giảm đi sự tin tưởng của xã hội vào ngành giáo dục.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. nhìn từ cách ứng xử, nói chuyện với phóng viên là đã cảm thấy sự chợ búa, phóng túng trong lời nói rồi, lại còn có thái độ với công việc của một vài phụ huynh nữa, chẳng có tí chuẩn mực nào của giáo viên cả. Tuy không biết nhân tướng học nhưng nhìn cô giáo này tôi thấy không mấy tốt đẹp

      Xóa
  5. Trước đó khi các phụ huynh chưa có nhiều người đồng ý với việc mua máy tính cho cô giáo, thì cô giáo này có vẻ "dỗi" các học sinh, không chú tâm vào việc giảng dạy và không làm đề cương như mọi khi. Sau khi biết "ý" của cô giáo, các phụ huynh mới cùng thống nhất để đạt đa số đồng ý góp 6/11 triệu đồng tiền "xin" mua máy tính để cô "phục vụ" học sinh

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lỗi một phần ở giáo viên nhưng cũng cần xem lại các vde này trong ngành gd. Hãy tạo điều kiện tốt nhất cho giáo viên yên tâm giảng dạy thì mới nâng cao được chất lượng giáo dục được.trường cũng nên có các thiết bị dùng chung để hỗ trợ giáo viên

      Xóa
  6. Vụ việc trên là một lời nhắc nhở về những vấn đề còn tồn tại trong ngành giáo dục. Để giải quyết những vấn đề này, cần có sự nỗ lực của tất cả các bên liên quan, từ nhà nước, nhà trường, giáo viên đến phụ huynh và học sinh. Phụ huynh cần có sự tỉnh táo, không nên dễ dàng đồng ý với những yêu cầu không hợp lý từ phía giáo viên.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhà trường nên trang bị đầy đủ phương tiện dạy học cho giáo viên để giáo viên có đủ công cụ dạy học nâng cao chất lượng giảng dạy. Lương giáo viên rất thấp nên khó có thể tự trang bị laptop. Chúng ta đòi chất lượng giảng dạy cao, đòi giáo viên tự trang bị laptop (công cụ thiết yếu thời nay nếu muốn dạy tốt) trong khi lương giáo viên 3 cọc 3 đồng thì không công bằng chút nào.

      Xóa
  7. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà trường, giáo viên không được vận động tài trợ để chi trả thù lao hoặc các khoản liên quan trực tiếp cho giáo viên, nhân viên. Kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh do ban quản lý, sử dụng và chỉ phục vụ các hoạt động trực tiếp của phụ huynh.

    Trả lờiXóa
  8. Đã là thiết bị cá nhân thì phải tự cá nhân mua và sử dụng, laptop máy chiếu v.v chỉ là công cụ hỗ trợ cho việc giảng dạy nhanh chóng và thuận lợi nên có cũng đc không có cũng ko ảnh hưởng gì quan trong là ở cách giảng dạy, thế lúc laptop chưa thịnh hành thì các cô các thầy dạy băng gì?

    Trả lờiXóa
  9. Cái Laptop ko phải là vấn đề mặc dù xét về chuẩn mực (nhất là cô giáo) thì ko đc phép làm thế. Cái vấn đề ở đây là cách nói, cách xin của cô này nghe rất trịch thượng. Đọc nghe rất phản cảm. Là 1 nhà giáo ko thể có chuyện như thế này được.

    Trả lờiXóa
  10. theo tôi việc này, nếu k có lap thì cô thì nên trao đổi với nhà trường vì đó là quan hệ giữa người lao động và SDLD, chứ không thể tự ý xin xỏ trong phụ huynh được. Mà phụ huynh bây giờ cũng rất có kiến thức và "không phải dạng vừa" đâu

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ngành giáo dục cần tăng lương, hỗ trợ công cụ giảng dạy như laptop hoặc máy tính bàn cho giáo viên chứ không phải để giáo viên tự thân vận động như vậy.Lỗi một phần ở giáo viên nhưng cũng cần xem lại các vde này trong ngành gd. Hãy tạo điều kiện tốt nhất cho giáo viên yên tâm giảng dạy thì mới nâng cao được chất lượng giáo dục được.

      Xóa
  11. việc trang thiết bị cho việc giảng dạy này của cá nhân mà lại đi xin như kiểu phải có thì mới dạy học được thì mình cũng bó tay. Chả lẽ không có cái laptop đó là không dạy được học sinh. Nhà trường nên xử lý nghiêm các trường hợp như này để cảnh tỉnh các thầy cô khác đừng quá lạm dụng vào phụ huynh học sinh.

    Trả lờiXóa
  12. Ngành y có quy định chứng chỉ hành nghề, nếu vi phạm thì bị rút chứng chỉ hành nghề. Không biết nghề giáo có quy định hay không. Theo tôi sức ảnh hưởng đối với xã hội của nghề giáo rất lớn, không thua gì ngành Y cả. Với tư cách đạo đức của một giáo viên như vậy, thử hỏi có thể giáo dục để thay đổi con người đó hay không.

    Trả lờiXóa
  13. Nếu tiếp tục đứng lớp thì bao nhiêu thế hệ con em sẽ bị ảnh hưởng. Tôi nghĩ ngành giáo duc cần có cơ chế kiểm soát chặt hơn. Theo tôi, người không có tư cách đạo đức thì không thể đứng lớp; cần cấm đứng lớp vĩnh viễn (có thể làm việc văn thư hành chính liên quan đến giáo dục nhưng không được đứng lớp).

    Trả lờiXóa
  14. Cuối cùng chỉ có các con là khổ nhất. Bị ảnh hưởng tâm lý
    Cô giáo sai, cô đã nhận sai, và cũng đã chịu các hình thức phê phán cực kỳ nặng nề từ cộng đồng (những lời nói nhiều khi còn sắc hơn dao), cũng như rất có thể sẽ chịu hình thức kỷ luật từ nhà trường.

    Trả lờiXóa
  15. trách cô giáo hờn dỗi nhưng nhìn lại thấy mạng xã hội hùa vào cười nhạo cô thì cũng thấy chạnh lòng. Giáo viên ở Việt Nam, nhất là mấy trường công thì lương không đủ sống trong khi công việc áp lực, các phương tiện giảng dạy như thế này đáng lý ra phải được nhà trường trang bị chứ nhỉ?

    Trả lờiXóa
  16. Qua trường hợp này mới thấy rõ bất cập của các trường hiện nay. Theo mình, cứ như nhân viên công ty, khi đi làm là làm toàn bộ trên thiết bị công ty cấp, cũng như giảng dạy trên thiết bị nhà trường cung cấp. Hết giờ dạy là phải hoàn lại cho trường, không được mang về.

    Trả lờiXóa
  17. qua sự việc này tôi cũng cho rằng Công nghệ góp phần hỗ trợ rất nhiều trong mọi lĩnh vực cuộc sống là điều tốt. Thế nên trường học nên đầu tư cho các lớp (nếu thực sự thấy cần, không nên chay đua theo xu thế của thời đại!), các giáo viên những trang thiết bị trên như là tài sản của trường dưới sự hỗ trợ vay của ngân sách nhà nước hoặc thông qua gói hỗ trợ trả góp.... các trường cần nghĩ cách, tính toán sao cho phù hợp.

    Trả lờiXóa
  18. Nặc danh00:41 1/10/24

    Trời ơi ! Đạo đức , trình độ hiểu biết của giáo viên thế này , hỏi sao xã hội ngày càng loạn . Đuổi cổ loại này ra khỏi ngày giáo dục ngay và luôn đi

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog