Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh việc tinh gọn tổ chức bộ máy là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng, phải quyết tâm cao nhất để sớm hoàn thành
Sáng 1-12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả"; báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; các giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt về thể chế để phát triển.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh từ sau Hội nghị Trung ương 10 ngày 20-9-2024 đến nay, cả hệ thống chính trị đã có những chuyển động mạnh mẽ, vận hành với tinh thần mới, vận tốc mới nhằm tạo ra những động lực mới, hiệu năng mới cho phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, Tổng Bí thư chỉ rõ phải đổi mới tư duy, phải "cởi trói", phải quyết đoán, phải bứt phá, phải vượt lên chính mình. Để vươn tới mục tiêu thu nhập trung bình cao cho người dân vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045 thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phải đạt hai con số liên tục trong những năm tiếp theo.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội đang tập trung giải quyết những điểm nghẽn và tạo lập những yếu tố nền tảng để đất nước có thể "cất cánh", nhất là các vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng như hệ thống giao thông, hạ tầng năng lượng, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, cải cách thể chế phát triển, thủ tục hành chính...
Tổng Bí thư yêu cầu cần tiếp tục tạo đột phá hơn nữa về thể chế phát triển, tháo gỡ hết các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để khơi thông mọi nguồn lực và cải cách hành chính mạnh mẽ, kiến tạo môi trường thuận lợi để phát triển.
Đổi mới thể chế phát triển không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan xây dựng pháp luật, mà là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và của từng cán bộ, đảng viên tham gia xây dựng, thực thi pháp luật. Cùng với đó phải có "liều thuốc đủ mạnh" để trị căn bệnh cán bộ làm việc hành chính, máy móc; tiêu cực, nhũng nhiễu, "hành dân", "hành doanh nghiệp", có lợi ích cá nhân thì mới làm, cố tình làm chậm công việc, xin ý kiến lòng vòng, đổ lỗi cho thể chế, đổ lỗi cho sợ trách nhiệm…
Hơn lúc nào hết, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu thực hiện nhiệm vụ trên tinh thần đặt lợi ích chung lên trên hết, mạnh dạn đổi mới, sáng tạo, đột phá, dũng cảm hy sinh để đất nước phát triển.
Khắc phục những "căn bệnh" của công tác cán bộ trước Đại hội
Về đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh Đại hội đảng các cấp từ các chi bộ cơ sở, đến cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh và các cơ quan Trung ương phải là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, thảo luận về tầm nhìn và mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước vươn mình giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.
Các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng đã được Trung ương xây dựng công phu, kỹ càng, khoa học. Nhiệm vụ của cấp ủy các cấp là sớm tổ chức cho cán bộ, đảng viên, nghiên cứu, đóng góp ý kiến vào các Văn kiện trên.
Tổng Bí thư lưu ý điều quan trọng là từ nội dung Dự thảo các Văn kiện của Đại hội XIV, cấp ủy các cấp lấy đó làm cơ sở xây dựng nội dung báo cáo chính trị, phương hướng nhiệm vụ công tác cho các văn kiện của cấp mình; xác định cụ thể những mục tiêu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương mình, đóng góp vào mục tiêu chung của đất nước trong giai đoạn tới.
Tổng Bí thư yêu cầu, cấp ủy các cấp cần tập trung chuẩn bị nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ mới theo đúng các nội dung đã được hướng dẫn, chuẩn bị thật tốt đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng được yêu cầu phát triển mới. Mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng tự học hỏi để "nâng mình lên" đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới của đất nước, nếu không đáp ứng được thì tự nguyện đứng sang một bên để người khác làm.
Phải hết sức lưu ý khắc phục những "căn bệnh" của công tác cán bộ trước Đại hội như: Người không tái cử thì giữ an toàn, thủ thế, không dám triển khai cái mới; nhân sự dự kiến tham gia cấp ủy khóa mới thì giữ mình, không muốn va chạm, sợ mất phiếu; tính toán cho người thân, người quen, người "cánh hẩu" với mình vào các vị trí lãnh đạo hoặc dùng "thủ thuật tổ chức" để gạt người mà mình không thích...
"Công tác tổ chức cán bộ là công tác của Đảng, do vậy các cấp ủy đảng phải thực hiện thật nghiêm túc Điều lệ Đảng cũng như các quy định của Đảng, của pháp luật về công tác cán bộ"- Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Các bộ, ngành phải hoàn thành trong tháng 12-2024
Về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị các cấp, các ngành từ Trung ương tới cơ sở phải xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong thực hiện chủ trương này. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Theo Tổng Bí thư, đây không chỉ là vấn đề về quy mô hay số lượng, mà sâu xa hơn là phải tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị. Các cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan cần gương mẫu, chủ động, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao theo tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng"; "Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở"; "Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng".
Từng cấp, từng ngành bám sát kế hoạch để tổng kết và đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị mình bảo đảm đúng tiến độ (bộ, ngành phải hoàn thành trong tháng 12-2024); hướng tới mục tiêu chung là hoàn thành và báo cáo Trung ương Phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong quý I-2025.
Tổng Bí thư lưu ý, triển khai thực hiện khẩn trương nhưng bảo đảm thận trọng, chắc chắn, giữ vững nguyên tắc, tiếp thu ý kiến từ tổng kết thực tiễn, các chuyên gia, nhà khoa học, kể cả kinh nghiệm nước ngoài... để đề xuất tinh gọn tổ chức bộ máy tối ưu nhất.
Thực hiện nghiêm nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính; khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, chia cắt về địa bàn, lĩnh vực.
Các cơ quan, tổ chức trước đây đã sắp xếp bước đầu, cũng phải rà soát đề xuất sắp xếp lại bên trong; kiên quyết xóa bỏ các tổ chức trung gian; cải cách tổ chức bộ máy phải gắn với quán triệt, thực hiện có hiệu quả các chủ trương về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phân cấp phân quyền mạnh mẽ cho địa phương, đẩy mạnh cải cách hành chính, chống lãng phí, chuyển đổi số quốc gia, xã hội hóa các dịch vụ công...
Yêu cầu chung là bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay; không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về thời gian, không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của người dân...
Việc tinh gọn tổ chức bộ máy đi đôi với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, tinh giản không có nghĩa là cắt giảm một cách cơ học, mà là loại bỏ những vị trí không cần thiết, giảm những công việc không hiệu quả, từ đó tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực then chốt, những con người thực sự xứng đáng và phù hợp. Không để cơ quan nhà nước là "vùng trú an toàn" cho cán bộ yếu kém. Với yêu cầu cao hơn khi triển khai tổ chức mới, phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lại cán bộ trước và sau khi sắp xếp lại tổ chức.
Tổng Bí thư đề nghị từng cơ quan, đơn vị phải thực hiện tốt công tác chính trị tư tưởng và chế độ, chính sách đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng do sắp xếp lại tổ chức, bộ máy; bảo đảm công bằng, công khai, khách quan, không để phát sinh phức tạp.
Bộ Chính trị đã có chủ trương tạm dừng việc bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử giữ chức vụ cao hơn đối với các cơ quan, đơn vị thuộc diện dự kiến phải sắp xếp, tinh gọn (trừ những trường hợp thật sự cần thiết); tạm dừng việc tuyển công chức từ ngày 1-12-2024 cho đến khi hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo định hướng của Trung ương.
Các cấp ủy đảng từ Trung ương đến cơ sở chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng dư luận, tạo sự thống nhất cao trong Đảng và toàn hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong nhân dân về chủ trương, yêu cầu, nhiệm vụ tinh gọn tổ chức bộ máy trong tình hình mới. Đấu tranh có hiệu quả với các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc việc thực hiện chủ trương này; xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng việc sắp xếp tổ chức, gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và cơ quan, tổ chức.
Đất nước đang đứng trước cánh cửa lịch sử bước vào kỷ nguyên vươn mình. Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu từ Trung ương đến cơ sở, phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm cao nhất để hoàn thành sớm việc tinh gọn tổ chức, bộ máy hệ thống chính trị; góp phần tăng tốc, bứt phá vượt các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2024, 2025 và cả nhiệm kỳ Đại hội XIII; chuẩn bị thật tốt đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng.
***
Phát biểu định hướng công tác tuyên truyền nội dung Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng lĩnh hội ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm; tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nội dung Hội nghị sâu rộng hơn nữa, nhanh chóng đưa các quan điểm chỉ đạo của Trung ương thành hành động cụ thể, bảo đảm đúng tiến độ, lộ trình và có kết quả rõ rệt.
Nguồn: Văn Duẩn/báo Người Lao động
Nguồn: Văn Duẩn/báo Người Lao động
Việc tinh giản biên chế cần được thực hiện một cách nhân văn, với sự quan tâm đến quyền lợi của người lao động. Cụ thể, cần có những chương trình hỗ trợ đào tạo, tư vấn nghề nghiệp để giúp những người bị tinh giản biên chế tìm được việc làm mới phù hợp, để hỗ trợ cho họ một con đường mưu sinh
Trả lờiXóaBạn nói rất hợp lý, nhưng theo mình thì những người khi mà tinh giản biên chế phải nghỉ việc thì có lẽ họ cũng đã sắp đến tuổi nghỉ hưu rồi, còn với những người trẻ, còn thời gian công tác dài thì sẽ được Nhà nước bố trí vào các vị trí phù hợp khác
Xóađể đạt mục tiêu này cần tiếp tục tạo đột phá hơn nữa về thể chế, tháo gỡ hết các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để khơi thông mọi nguồn lực và cải cách hành chính mạnh mẽ, kiến tạo môi trường thuận lợi để phát triển
XóaChính xác, phải có sự quan tâm đến những người nằm trong diện tinh giảm biên ché, họ là người có kinh nghiệm công tác, được đào tạo bài bản, có tư tưởng lập trường chính trị tốt, chỉ vì lý do nào đó mà phải nhường công việc lại cho việc chung, nên họ xứng đáng được hỗ trợ về kinh tế cũng như tư vấn về việc làm
XóaVấn đề tinh giản hay không này có lẽ đã là bài toán mà các lãnh đạo đã nhìn thấy từ lâu rồi, nhưng có lẽ đến bây giờ chúng ta mới có đủ quyết tâm và kiên trì để thực hiện. Đây theo tôi là việc theo quy luật thôi, chất lượng thì luôn hơn số lượng, ít mà hiệu quả thì nên ưu tiên
Trả lờiXóaChỉ tính riêng việc tinh gọn bộ máy, nếu hoàn thành, TBT Tô Lâm sẽ đi vào lịch sử khi là người giải quyết bài toán đã đặt ra cả chục năm, ai cũng nhìn thấy nhưng chưa giảii quyết được triệt để: Bộ máy hành chính cồng kềnh, chiếm 70% chi thường xuyên
XóaViệc sát nhập trên cơ sở tránh một việc mà nhiều đầu mối cùng làm, bắt người dân đi đến nhiều nơi làm thủ tục trong khi có thể tích hợp làm một lần... kiểu như là tiện hơn cho người dân, xã hội, mà tránh việc chi trả lương tràn lan mà hiệu quả thấp, chứ nhiều người khi chỗ nào cũng cắt là không phải
XóaViệc tinh giản bộ máy ( sẽ kéo theo là biên chế) là việc làm cần thiết để nâng cao chất lượng cán bộ, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân là việc làm cần thiết đối với nhà nước pháp quyền. Hôm nay chúng ta triển khai thì thời gian để nâng cao hiệu quả của chương trình sẽ kéo dài tới 3 - 4 năm sau mới hoàn thành (vì cần có thời gian xắp xếp thanh lọc lực lượng cán bộ đảm bảo tính nhân văn, kế thừa vv..). Nếu chúng ta để chậm thì hiện nay chỉ còn 20 năm là đến ngày kỉ niệm 100 năm thành lập nước, như thế sẽ không kịp hoàn thành mục tiêu là đưa nước ta trở thành nước phát triển. Do đó mọi công dân nước Việt Nam cần ủng hộ mạnh mẽ chủ trương này, số cán bộ hạn chế, yếu kém cũng cần tự giác soi xét mình để có thể ở lại hay xin nghỉ cho phù hợp với xu thế chung của thời đại, như thế đất nước ta mới phát triển tốt được.
Trả lờiXóaCần nhận thức rõ, đổi mới thể chế không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan xây dựng pháp luật, mà là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và của từng cán bộ, đảng viên tham gia xây dựng, thực thi pháp luật. Phải có "liều thuốc đủ mạnh" để trị căn bệnh cán bộ làm việc hành chính, máy móc
XóaTBT Tô Lâm đã cho cả Việt Nam và bạn bè quốc tế thấy mình không hô khẩu hiệu. Chỉ trong thời gian ngắn, ông đã cùng Trung ương Đảng, Bộ Chính trị thông qua rất nhiều các chính sách quan trọng, định hình sự phát triển của đất nước trong mấy thập kỷ nữa, trong đó có thông qua hàng loạt chủ trương để tinh gọn bộ máy
Trả lờiXóaCông nhận bác từ Công an sang nên khác bọt thật, cho mệnh lệnh một cái là cả hệ thống rục rịch làm liền chứ không phải ngồi chờ đến lượt, tinh thần vừa chạy vừa xếp hàng lần đầu được nghe thấy và dược chứng kiến, quả là hiệu quả, mong rằng chỉ thời gian ngắn sẽ sắp xếp xong bộ máy để đi và hoạt động
XóaĐất nước muốn hóa rồng, phải có tiền để làm công trình lớn, để thay đổi hẳn bộ mặt của nền kinh tế. Muốn vậy, phải tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu quả bộ máy hành chính công. Hy vọng tất cả ban ngành đồng nhất quan điểm với bác để đất nước ta càng ngày phát triển
Trả lờiXóaĐây một chủ trương quan trọng trong quá trình cải cách hành chính, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giảm bớt chi phí và tăng cường khả năng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Việc này không chỉ giúp bộ máy nhà nước hoạt động hiệu quả hơn mà còn tạo ra môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội.
Trả lờiXóaMục tiêu chính của việc tinh gọn bộ máy là làm giảm sự cồng kềnh, tối ưu hóa quy trình làm việc, tăng cường sự minh bạch, giảm thiểu tham nhũng và cải thiện chất lượng dịch vụ công. Đồng thời, việc này cũng giúp tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan công quyền đối với người dân và doanh nghiệp.
Trả lờiXóaTinh gọn bộ máy nhà nước là một quá trình lâu dài và cần sự đồng bộ từ trung ương đến địa phương. Trong năm 2024, việc tiếp tục thực hiện cải cách và đổi mới là rất quan trọng để đưa bộ máy nhà nước Việt Nam trở nên hiệu quả, minh bạch và phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, cần có sự quyết tâm và nỗ lực không ngừng từ mọi cấp, mọi ngành trong hệ thống chính trị.
Trả lờiXóaViệc tinh gọn bộ máy đã được nhắc đến nhiều lần và đưa vào nghị quyết để thực hiện nhưng đến thời kỳ tbt Tô Lâm thì mới thực sự hiện thực hóa, mà không phải là kiểu làm hình thức mà là làm đến đâu hoạt động đến đó luôn, kiểu như một làn gió mới cho bộ máy, đúng phong thái bên Công an nó cũng khác
Trả lờiXóa