Khoai@
Biên Hòa, 11/1/2025 - Hà Nội vừa công bố kế hoạch chi 80 tỷ đồng để lắp đặt 66 nút đèn tín hiệu giao thông, và thông tin này nhanh chóng thu hút sự chú ý của dư luận. Với phép toán đơn giản, mỗi nút giao thông có chi phí trung bình khoảng 1,21 tỷ đồng. Con số này đã làm bùng nổ các ý kiến trái chiều trên mạng xã hội.
Nhiều người phản ứng gay gắt: “Đèn gì mà đắt thế?”; “Hơn 1 tỷ đồng cho mỗi cây đèn tín hiệu, giá bằng một căn nhà 3 tầng.”; Thậm chí có người còn châm biếm "Cắn sâu quá, hèn gì dân khổ.”...
Tuy nhiên, những con số này có thực sự “đắt đỏ” hay chỉ là sự hiểu lầm về chi phí lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông?
Việc lắp đặt đèn tín hiệu giao thông không chỉ đơn giản là dựng một cột đèn và gắn thêm đèn LED đỏ-vàng-xanh. Một nút giao thông hiện đại bao gồm nhiều hạng mục, mỗi hạng mục đều yêu cầu đầu tư đáng kể:
Thiết bị đèn tín hiệu: Bao gồm các đèn LED đỏ, vàng, xanh; đèn dành cho người đi bộ; đèn đếm ngược thời gian; và các loại đèn chuyên dụng khác. Giá của các thiết bị này dao động tùy theo loại và kích thước. Ví dụ, bộ đèn xanh, đỏ, vàng có giá từ 3,3 - 6,8 triệu đồng/bộ; đèn thời gian đếm ngược từ 4,2 - 6,1 triệu đồng/chiếc; đèn cho người đi bộ từ 3,5 - 3,8 triệu đồng/chiếc
Cột đèn và kết cấu hạ tầng: Cột đèn tín hiệu và móng cột phải đảm bảo tiêu chuẩn chịu lực, chống được thời tiết khắc nghiệt và mỗi nút giao thông cần nhiều hơn hai cột đèn. Nói là cột đèn nhưng nó sẽ bao gồm cột đèn, móng cột, và các kết cấu hỗ trợ khác. Giá cột đèn tín hiệu giao thông thay đổi tùy thuộc vào loại cột đèn (cột đèn tín hiệu giao thông đơn; cột đèn tín hiệu giao thông cần trục và cột đèn tín hiệu giao thông thông minh) vị trí lắp đặt, số lượng và tiến độ thi công.
Hệ thống điều khiển thông minh: Bộ điều khiển trung tâm, cảm biến nhận diện mật độ giao thông, và các thiết bị điện tử hỗ trợ là những thành phần cốt lõi. Những hệ thống hiện đại này thường có giá hàng trăm triệu đồng, giúp đèn tín hiệu hoạt động đồng bộ, tự điều chỉnh theo lưu lượng giao thông.
Hệ thống dây dẫn và kết nối: Việc đảm bảo tín hiệu truyền tải ổn định đòi hỏi các loại dây cáp điện, cáp quang chất lượng cao. Đây cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn đến chi phí và chi phí cho phần này phụ thuộc vào quy mô và độ phức tạp của hệ thống.
Chi phí lắp đặt và thi công: Bao gồm nhân công, thiết bị, máy móc cần thiết để thi công lắp đặt, đào móng, đào đường, hoàn thiện bề mặt, và đấu nối toàn bộ hệ thống. Chi phí này thường chiếm khoảng 20-30% tổng chi phí công trình.
Chi phí quản lý và xin cấp phép: Những dự án công cộng như thế này thường kèm theo các chi phí xin phép quy hoạch, kiểm tra tiêu chuẩn kỹ thuật, và chi phí giám sát dự án.
Duy trì và vận hành lâu dài: Sau khi lắp đặt, hệ thống còn cần chi phí bảo dưỡng định kỳ, thay thế linh kiện hỏng hóc, và vận hành.
Với hàng loạt các yếu tố cấu thành trên, mức chi phí cho mỗi nút đèn tín hiệu giao thông có thể sẽ dao động từ vài trăm triệu cho tới hàng tỷ đồng tùy thuộc vào yêu cầu về quy mô, ức độ hiện đại và thông minh của hệ thống. Theo quan điểm cá nhân, chi 1,21 tỷ cho một nút đèn giao thông thông minh chắc chắn là không rẻ, nhưng có vẻ không phải là quá cao nếu như những hệ thống tín hiệu này không chỉ đóng vai trò điều tiết giao thông mà còn là nền tảng cho việc tích hợp các công nghệ thông minh trong tương lai.
Thực tế, trong các dự án tương tự tại một số quốc gia, chi phí mỗi nút giao thông thậm chí còn cao hơn nhiều, nhờ ứng dụng công nghệ tiên tiến hơn và tiêu chuẩn khắt khe về an toàn.
Tuy nhiên, một vấn đề cần xem xét là sự thiếu hụt thông tin từ Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội - đơn vị thực hiện dự án. Trước những ý kiến nghi ngờ từ công chúng, việc im lặng càng khiến dư luận dễ dàng bị định hướng bởi những thông tin sai lệch.
Lẽ ra, cơ quan này cần sớm có các thông tin giải trình rõ ràng, chi tiết từng hạng mục chi phí thông qua các kênh truyền thông hoặc tổ chức họp báo công khai. Việc minh bạch hóa không chỉ giúp giảm thiểu hiểu lầm mà còn xây dựng niềm tin trong công chúng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét