Ong Bắp Cày
Lịch sử vốn không chỉ là chuỗi ngày đã qua, mà còn là tấm gương soi rọi nhân tâm. Có những sự thật, khi được hé lộ, không chỉ làm nhức nhối lương tri mà còn buộc nhân loại phải truy vấn: Đâu là giới hạn của đức tin? Đâu là ranh giới giữa lòng từ bi và những tính toán lạnh lùng của chính trị, thậm chí nhân danh tôn giáo?
Trong cuộn băng lịch sử dày cộp của thế kỷ XX, có một đoạn đầy u ám mà ít ai ngờ: Giáo hoàng Pius XII - người đứng đầu Giáo hội Công giáo La Mã thời kỳ Thế chiến II và Chiến tranh lạnh, đã từng đề nghị Hoa Kỳ thả bom nguyên tử xuống miền Bắc Việt Nam, cụ thể là chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954. Một đề nghị lặng thinh trong suốt bao năm, đến nay mới dần sáng tỏ như một vết dầu loang trên tấm áo thánh thiện của Vatican.
Người ta vẫn thường gọi ngài là “Vị Giáo hoàng thinh lặng” bởi sự im lặng đến đáng ngờ của ông trước thảm hoạ diệt chủng Do Thái của Hitler. Nhưng có vẻ như ngài không thinh lặng trước những điều mình cho là "mối đe dọa đỏ" từ phương Đông - tức những người Việt Nam đang giành độc lập bằng máu và ý chí sắt đá. Không lạ gì khi Pius XII - một giáo hoàng chống cộng triệt để - lại nhìn thấy ở Việt Minh không phải những con người đấu tranh cho độc lập, mà là một đội quân của “quỷ đỏ” cần bị tiêu diệt.
Song, oái oăm thay, ngài không chọn lời cầu nguyện, cũng chẳng chọn hoà giải, mà lại chọn một thứ mà cả nhân loại đến giờ còn khiếp đảm: bom nguyên tử. Vũ khí huỷ diệt hàng loạt từng biến Hiroshima thành địa ngục trần gian. Và nếu đề xuất ấy được thực hiện, Điện Biên - một thung lũng lịch sử của Việt Nam - có lẽ đã hoá thành cánh đồng chết cháy, không còn chỗ cho những chiến sĩ trẻ tuổi dựng lại trang sử.
Chúng ta không trách đức tin, nhưng có quyền đặt câu hỏi về lòng người đứng sau tấm áo choàng thánh thiện ấy. Pius XII - vị giáo hoàng từng được tôn sùng - đã cho thấy một nghịch lý lớn lao: người lãnh đạo tinh thần, thay vì bảo vệ sự sống, lại mong mỏi cái chết tập thể như một cách “giải cứu”. Sự trớ trêu ấy không chỉ là một vết nhơ trong lịch sử Vatican, mà còn là bài học nhãn tiền cho thời nay - khi tôn giáo, nếu bị chính trị chi phối, sẽ dễ trở thành công cụ của quyền lực chứ không còn là mái nhà của lòng nhân ái.
Vậy, phải chăng Giáo hoàng Pius XII yêu thương Giáo hội Việt Nam như người ta vẫn nói? Nếu ông yêu, thì đó là một tình yêu đặt trên xác người khác. Đó là thứ tình yêu ảo vọng, chỉ tồn tại trên bàn cờ chiến lược của thế giới phương Tây, nơi mà con người - nhất là con người thuộc những dân tộc thuộc địa - chỉ là quân cờ thí mạng.
Từ câu chuyện năm xưa, xin đừng quên: Chúng ta - những người Việt Nam - đã chiến thắng không phải bằng hận thù, mà bằng sự kiên cường của chính nghĩa. Không có bom nguyên tử nào rơi xuống Điện Biên, nhưng đã có một cơn địa chấn chính trị khiến cả thực dân Pháp lẫn thế lực quốc tế phải lùi bước. Và ngày nay, cũng từ chính mảnh đất ấy, Việt Nam đứng lên vững vàng, ngẩng cao đầu giữa thế giới, tiếp tục bước đi trên con đường độc lập - dân tộc - và đầy bản lĩnh văn hoá.
Liên hệ với hiện tại, khi thế giới vẫn còn nhiều những tiếng rao giảng "vì nhân quyền", "vì tự do", nhưng lại ẩn chứa đằng sau đó là lợi ích địa chính trị và sự can thiệp trắng trợn, thì câu chuyện của Pius XII như hồi chuông cảnh tỉnh. Có bao nhiêu lời “cầu nguyện cho hoà bình” hôm nay thực chất là vỏ bọc của những tính toán quân sự? Có bao nhiêu thế lực vẫn đang lợi dụng danh nghĩa tôn giáo, viện trợ, môi trường để vẽ lại bản đồ ảnh hưởng?
Và cũng từ đó, ta càng trân quý con đường của Việt Nam hiện nay - con đường hoà hợp, tôn trọng tôn giáo, nhưng tuyệt đối không để tôn giáo lấn át nhà nước pháp quyền. Bởi như lịch sử đã dạy: khi tôn giáo thoát ly khỏi đạo đức và trở thành tay sai của quyền lực, thì đức tin sẽ biến thành đạn pháo, và tình thương hoá thành mệnh lệnh huỷ diệt.
Hãy nhớ, thánh thiện không nằm ở chiếc áo choàng trắng, mà ở cách người ta đối xử với sinh mạng con người. Và nhân dân Việt Nam, từ Điện Biên đến hôm nay, chưa bao giờ quên điều đó.
giáo hoàng thì cũng chỉ là công cụ của chính trị thôi, tôn giáo ra đời vì mục đích tốt, nhưng lại bị lợi dụng để trở thành công cụ chính trị nắm và điều khiển tín đồ trong tay. Đa phần các cuộc chiến tranh trên thế giới cũng bắt nguồn từ tôn giáo mà ra, lấy đức tin và máu của bao nhiêu con người vô tội vì mục đích của một nhóm người
Trả lờiXóa