Chia sẻ

Tre Làng

Khi phát ngôn vô cảm vấy bẩn lịch sử

Lâm Trực@

Hà Nội, ngày 22/4/2025 - Có những khoảnh khắc trong đời sống cộng đồng khiến người ta phải giật mình tự hỏi: liệu tự do ngôn luận có thể bị lợi dụng đến mức nào? Liệu những lời nói tưởng chừng như vô hại, khi xuất phát từ sự vô cảm và thiếu hiểu biết, có thể làm tổn thương sâu sắc đến lịch sử và ký ức chung của một dân tộc?

Câu hỏi ấy trở nên nhức nhối khi một số người - vốn được điểm tô là nghệ sĩ, là người của công chúng - lại thản nhiên dùng những ngôn từ thiếu trách nhiệm để phủ mờ lên những giá trị thiêng liêng mà hàng triệu người Việt Nam đã hy sinh máu xương mới giành được.

Khi ngày 30/4 - ngày đất nước thống nhất, non sông liền một dải - đang đến gần, đáng lẽ đây phải là dịp để mỗi người Việt thành kính tưởng nhớ và tự hào. Ấy vậy mà, chỉ trong một ngày, hai cá nhân có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội đã chọn cách bày tỏ sự thờ ơ và bất mãn với tinh thần đại lễ: một người là BTV Bích Hồng của một đài truyền hình lớn, một người là người mẫu kiêm ca sĩ L.T.C.

Bằng giọng điệu nửa than phiền, nửa mai mỉa, Bích Hồng viết rằng mình "rất phiền", "không vui, không háo hức, miễn tự hào" trước không khí mừng 30/4. Ngay sau đó, L.T.C. cũng chia sẻ trạng thái đầy lạnh lùng: “Mong đại lễ này qua mau giúp. Bắt đầu thấy mệt mỏi với kẹt xe, chặn đường, máy bay quân sự bay ầm ầm trên đầu mỗi sáng. Vừa hết 30/3 là tới Vesak LHQ, mệt mỏi thực sự”.

Đặt những lời ấy bên cạnh lịch sử dân tộc, thật khó tránh khỏi cảm giác đau xót. Bởi lẽ, đó không đơn thuần là phát ngôn cá nhân - mà là sự phơi bày rõ ràng của một căn bệnh: căn bệnh thờ ơ trước lịch sử, thờ ơ với máu thịt của chính đồng bào mình.

Ai cho các vị quyền đem sự mỏi mệt cá nhân để đánh đổi với ký ức linh thiêng của một dân tộc? Ai cho phép các vị cân đo những đoàn diễu binh - vốn là biểu tượng nhắc nhớ về sự hy sinh, đoàn kết và hòa bình - bằng đôi mắt ích kỷ chỉ nhìn thấy sự bất tiện? Và ai cho các vị quyền đánh giá những sự kiện mang tính quốc gia như một thứ phiền toái của cuộc sống đô thị?

Cộng đồng mạng không phẫn nộ vì sự nổi tiếng của các vị - vì thực ra, sự nổi tiếng đó cũng như mây trôi - mà bởi những lời nói ấy đã xúc phạm đến điều không thể xúc phạm: lịch sử và lòng yêu nước. Hàng nghìn lượt bình luận, hàng vạn sự bất bình không phải là “tấn công mạng”, mà là tiếng nói tự vệ chính đáng của một cộng đồng biết yêu - và biết đau.

L.T.C. sau đó đã lặng lẽ xóa bài viết, chọn cách im lặng như thể chưa từng có điều gì xảy ra. Nhưng internet không dễ quên, và nhất là khi vết cắt ấy rạch vào ký ức dân tộc, nó sẽ để lại sẹo dài.

Còn với Bích Hồng, dù đã bị tạm ngưng công tác và lên tiếng xin lỗi, thì công chúng vẫn không khỏi thất vọng. Bởi người làm truyền thông không chỉ đưa tin - mà còn là cầu nối cảm xúc, là người truyền lửa cho tinh thần dân tộc. Một lời nói thiếu suy nghĩ có thể khiến niềm tin xây dựng cả đời sụp đổ trong chớp mắt.

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà tự do ngôn luận là quyền hiến định, nhưng cũng là thời đại mà phát ngôn thiếu kiểm soát dễ trở thành công cụ gây tổn thương. Tưởng rằng "viết gì cũng được, miễn có tương tác", nhưng lại quên rằng mỗi câu chữ khi chạm vào ký ức dân tộc đều phải được cân đo bằng đạo lý và trách nhiệm.

Tự do không bao giờ là cái cớ cho vô cảm. Lịch sử không phải món đồ để đem ra chế giễu. Mỗi ngày lễ lớn của dân tộc là một lần chúng ta nhắc nhau về sự hy sinh, về máu và nước mắt đã đổ xuống để hôm nay được sống trong hòa bình.

Người ta có thể học hát, học nhảy, học làm người nổi tiếng. Nhưng học làm người - nhất là một người Việt Nam - thì phải bắt đầu từ việc học biết ơn. Nếu thiếu lòng thành kính với tiền nhân, thiếu niềm tự hào với dân tộc, thì dù có bước đi giữa ánh đèn sân khấu rực rỡ, vẫn chỉ là cái bóng rỗng không hồn.

Mong rằng, sau những bài học từ Bích Hồng và L.T.C., sẽ không còn thêm một lời nói vô cảm nào làm vấy bẩn lịch sử. Bởi lời nói, khi đã thốt ra, không chỉ phản ánh nhân cách - mà còn có thể xóa nhòa cả một quá khứ thiêng liêng nếu không được phát ra từ lòng biết ơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog