Chia sẻ

Tre Làng

Sài Gòn - Vẫn văn hóa ngọt ngào như vốn dĩ

Lâm Trực@

Quảng Ngãi, ngày 27/4/2025 - Có một nỗi buồn nào đó rất nhè nhẹ và mơ hồ thoảng qua bài viết "Miền Nam vẫn chình ình đó, không mất đi đâu. Miền Nam chỉ mất một thứ: Văn hoá!" của Tòng Thanh Phạm (có người cho là của NS Thành Lộc đăng trên 8 Sài Gòn). Nỗi buồn, không nằm trong câu chuyện cụ thể về bà bán chuối hay chú bé dạ thưa, mà nằm trong cái cách người viết kết luận rằng "Miền Nam chỉ mất một thứ: Văn hoá!"

Xin phép được nói đôi điều - không phải để phản bác, mà để rộng đường suy nghĩ. Bởi tôi vốn không tin vào những cái kết gấp gáp hay cảm tính. Là một người có nghiên cứu về văn hóa, tôi hiểu rõ rằng không có một nền văn hóa nào đứt gãy chỉ bởi những đổi thay bề mặt, càng không thể chỉ vì vắng bớt vài tiếng "dạ thưa" mà quy kết cả một miền đất đã "mất văn hoá".

Sài Gòn - thành phố mà ai đó đã từng coi là “hòn ngọc Viễn Đông”, giờ vẫn long lanh dưới ánh mặt trời của đổi thay và hội nhập. Có thể những người viết như Tòng Thanh Phạm tiếc một Sài Gòn xưa, với bà nội, bà Tư, với chuối xiêm và tiếng rao ngọt như đường phèn, nhưng hãy cẩn thận khi dùng nỗi tiếc nuối ấy để phán xét một thực tại đa sắc, đang từng ngày vận động.

Cái văn hóa “dạ, thưa” không mất, nó chỉ được thể hiện bằng hình thức khác. Một người trẻ hôm nay có thể không rập khuôn những khuôn phép lễ nghi xưa cũ, nhưng đâu vì thế mà thiếu tôn trọng. Sự văn minh, lịch thiệp - trong một đô thị hiện đại - có thể là ánh mắt biết lắng nghe, là cử chỉ nhường ghế xe buýt, là tiếng "xin lỗi" nơi công cộng hay hành động góp tay cho một hoạt động cộng đồng. Đừng nhìn một vài hình ảnh thiểu số rồi vội kết luận về cái "mất văn hóa" - bởi như thế là bất công, thậm chí là lệch lạc.

Chúng ta không thể níu giữ văn hóa như thể giữ một cái áo lụa xưa cũ, treo mãi trong tủ kính, rồi gọi đó là "cái đẹp của miền Nam". Văn hóa sống, lớn lên và đổi thay cùng con người - nếu chỉ nhớ mãi dĩ vãng mà không nhìn thấy hiện tại, ta sẽ mãi mãi là kẻ lạc hậu, lẩm nhẩm những bài ca cũ trong một thế giới đang chuyển động.

Văn hóa miền Nam - văn hóa Sài Gòn - hôm nay không chỉ là giọng Huế của bà bán chuối, không chỉ là cái nghiêng mình "thưa cậu", mà là một bức tranh đa tầng, nơi người Sài Gòn biết trân quý ký ức nhưng vẫn mở lòng đón nhận cái mới. Họ có thể nói “bạn ơi” thay vì “cậu ơi”, họ có thể viết blog, quay video, làm từ thiện, tổ chức các chiến dịch giúp người vô gia cư, tạo dựng cộng đồng sống xanh - đó chẳng phải là văn hoá sao?

Và cũng nên cẩn trọng với thái độ phân biệt vùng miền ẩn sâu trong một số giọng văn. Khi viết “Cái Miền-Nam tui đang nói tới được tính từ vĩ tuyến 17 trở vào”, tác giả không chỉ đang chia sẻ một hoài niệm cá nhân, mà đang vô tình hoặc hữu ý vạch ra một ranh giới nhạy cảm - có tính phân biệt và bài xích. Một miền Nam văn hoá không thể nào là một miền Nam chỉ dành cho những người “đủ lễ phép”, “đủ dạ thưa”. Một miền Nam văn hoá thực sự là miền Nam biết hòa mình, biết đón nhận và biết cùng nhau sống đẹp, bất kể gốc gác là Huế, Quảng, Hà Nội hay Hà Tĩnh.

Không ai phủ nhận rằng “dạ, thưa, cảm ơn, xin lỗi” là những viên ngọc của ngôn ngữ giao tiếp Việt. Nhưng cũng không thể vì thiếu vài tiếng ấy trong đời sống thường ngày mà tuyên bố văn hoá đã mất. Văn hóa không nằm ở vài biểu hiện bề mặt, mà ở cái lõi ứng xử, ở đạo lý sống, ở sự tử tế lan toả trong cộng đồng.

Hãy hỏi người Sài Gòn hôm nay: Họ có tiếp tục hiền hoà? Có. Họ có sẵn lòng giúp người lạ, đón người nhập cư, mở lòng với cái mới? Có. Họ có làm tình nguyện, hiến máu, hỗ trợ người nghèo, dấn thân vào tuyến đầu trong đại dịch? Có. Và họ có thương thành phố này như thương chính người thân của mình? Có. Thế thì, thưa tác giả, văn hoá ấy đang sống - thậm chí sống mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Tôi viết những dòng này không phải để chống lại cảm xúc đẹp đẽ trong câu chuyện của ông Tòng Thanh Phạm, mà để nhắc chúng ta - những người yêu văn hoá, yêu Sài Gòn - rằng: sự hoài niệm là quý, nhưng sự công bằng trong đánh giá văn hoá hôm nay là điều cần thiết hơn. Đừng nhân danh hoài cổ để phủ nhận hiện tại. Sài Gòn hôm nay vẫn là Sài Gòn. Một Sài Gòn chưa từng mất gì cả - nếu có chăng, chỉ là vài người đánh mất niềm tin vào chính cái đẹp đang nở rộ từng ngày.

Và văn hóa - là thứ không bao giờ mất - nếu lòng ta còn giữ lấy nó bằng yêu thương, hiểu biết và sự công tâm.

P/s: Còn nữa...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog