Chia sẻ

Tre Làng

Vụ MC Bích Hồng: Phát ngôn lệch chuẩn!

Lâm Trực@

Hà Nội, ngày 19/4/2025 - Trong thời đại mạng xã hội, một dòng trạng thái tưởng như chỉ thể hiện cảm xúc cá nhân đôi khi lại có thể phản ánh cả một hệ giá trị, đạo đức và tư cách công dân của người phát ngôn. Trường hợp của MC Bích Hồng - người từng cộng tác với Đài Truyền hình cáp SCTV - là một ví dụ điển hình. Việc cô công khai than phiền về hoạt động hợp luyện diễu binh chào mừng Ngày Giải phóng miền Nam 30/4 là “phiền phức, kẹt xe” và thậm chí nói “miễn tự hào” đã tạo nên làn sóng phản ứng mạnh mẽ từ dư luận.

Là một người từng làm trong lĩnh vực truyền thông - môi trường đòi hỏi sự tỉnh táo, chuẩn mực và trách nhiệm xã hội - phát ngôn ấy không chỉ gây thất vọng mà còn cho thấy sự sa sút nghiêm trọng trong nhận thức lịch sử và đạo đức công dân.

Trước hết, cần khẳng định rằng các hoạt động kỷ niệm ngày 30/4 không phải là sự kiện bất ngờ hay mang tính tức thời. Đây là dịp trọng đại được tổ chức hằng năm, có lịch trình công bố từ rất sớm nhằm bảo đảm sự phối hợp và điều chỉnh của toàn xã hội. Một người có hiểu biết và trách nhiệm tối thiểu cũng hoàn toàn có thể chủ động sắp xếp kế hoạch cá nhân phù hợp. Do đó, việc cho rằng diễu binh là nguyên nhân gây "phiền toái" chỉ phản ánh sự thiếu chuẩn bị và không muốn thích nghi, chứ không phải là lỗi của một sự kiện mang tính quốc gia.

Nghiêm trọng hơn, cụm từ “miễn tự hào” được MC Bích Hồng sử dụng đã vượt xa khỏi giới hạn của sự than phiền đời thường. Đó là biểu hiện của thái độ bàng quan, vô ơn và lệch lạc trong suy nghĩ về lịch sử dân tộc. Ngày 30/4 là thành quả kết tinh từ máu xương và lòng quả cảm của biết bao thế hệ người Việt Nam, là mốc son chấm dứt chiến tranh, mở ra hòa bình và thống nhất đất nước. Chính nhờ đó mà hôm nay mỗi công dân Việt Nam - trong đó có cả Bích Hồng - mới có thể sống trong môi trường hòa bình, ổn định và phát triển. Gọi sự kiện này là “phiền toái” đồng nghĩa với việc xúc phạm đến tinh thần hy sinh của cha ông, đồng thời phủ nhận chính nền tảng cho sự nghiệp và cuộc sống của mình hôm nay.

Đáng chú ý là việc MC Bích Hồng cho rằng mình có “tư cách người sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn” như một dạng đặc quyền tách biệt khỏi cộng đồng dân tộc và mang hàm ý tiêu cực khác. Ở Việt Nam, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không có “tư cách đặc biệt” nào được phép phủ định giá trị chung của cả dân tộc. Việc tự đặt mình ra khỏi quỹ đạo chung của xã hội không chỉ là một sai lầm nhận thức, mà còn phản ánh sự khủng hoảng về bản sắc và trách nhiệm công dân.

Tên gọi “Sài Gòn” là một phần của lịch sử dân tộc Việt Nam - một địa danh ghi dấu hành trình mở cõi, phát triển vùng đất phương Nam. Dù từng bị chính quyền tay sai trong quá khứ lợi dụng, nhưng trong lòng người Việt, cái tên ấy vẫn luôn có ý nghĩa sâu sắc. Tuy nhiên, sử dụng danh xưng ấy như một biểu tượng để thể hiện sự kiêu ngạo, chia tách hay đối lập với giá trị dân tộc thì lại là hành vi làm hoen ố chính di sản mà mình đang viện dẫn.

Một điểm đáng lưu ý nữa là, phát ngôn gây tranh cãi này không xuất phát từ một cá nhân vô danh, mà từ người từng đứng trước máy quay, từng được đào tạo bài bản về truyền thông. Chính điều đó khiến mức độ nghiêm trọng của sự việc càng trở nên đáng quan ngại. Trong một xã hội văn minh, người làm truyền thông không chỉ là người truyền tải thông tin mà còn có sứ mệnh định hướng nhận thức, lan tỏa giá trị tốt đẹp. Khi người trong nghề phát ra những lời lẽ trái khoáy, vô cảm và sai lệch, họ không chỉ phản bội nghề nghiệp của mình, mà còn gây tổn thương đến dư luận xã hội.

Không bất ngờ khi ngay sau đó, SCTV - đơn vị từng cộng tác với Bích Hồng - đã nhanh chóng ra thông báo chấm dứt mọi quan hệ hợp tác. Đó là một động thái cần thiết, không chỉ để bảo vệ uy tín của tổ chức, mà còn là lời khẳng định: Những người thiếu trách nhiệm xã hội và không đủ phẩm chất đạo đức sẽ không có chỗ đứng trong môi trường truyền thông chuẩn mực.

Vụ việc của MC Bích Hồng không dừng lại ở một câu chuyện cá nhân. Nó đặt ra một yêu cầu nghiêm túc về việc giáo dục nhận thức công dân, đặc biệt đối với những người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, nghệ thuật và các lĩnh vực có ảnh hưởng đến cộng đồng. Mạng xã hội không phải là nơi trú ẩn an toàn cho những phát ngôn tùy tiện. Mỗi dòng trạng thái công khai đều phản ánh trình độ hiểu biết, văn hóa và đạo đức của người viết.

Với giới trẻ - những người sinh ra trong hòa bình, không trải qua chiến tranh và không chứng kiến sự chia cắt đất nước - việc gìn giữ và tôn vinh lịch sử dân tộc là nhiệm vụ không thể xem nhẹ. Lòng tự hào dân tộc không phải là khẩu hiệu. Đó là kết quả của sự hiểu biết, của nhận thức đúng đắn và lòng biết ơn chân thành đối với quá khứ. Nếu không thể sống với tinh thần tự hào ấy, thì chí ít - cũng đừng làm tổn thương đến những điều thiêng liêng mà hàng triệu người Việt Nam vẫn hằng trân trọng.

6 nhận xét:

  1. Thế hệ cha ông hy sinh, chờ đợi không biết bao nhiêu ngày tháng để giải phóng và thống nhất đất nước. Và giờ đây nhiều đứa con cháu bực tức, chửi bới việc diễu hành, không tự hào chỉ vì ắc đường. Thật đáng buồn cho một số người, thậm chí có cả những người có ăn có học đàng hoàng, là tư duy thấp kém và bất mãn như vậy

    Trả lờiXóa
  2. Thực ra thì 9 người 10 ý. 100 người thì 01 người thấy phiền nó cũng bình thường. Nhưng mà người khôn thì có thấy phiền họ cũng không ý kiến.. Còn lại thích bày tỏ quan điểm thì bị ngu rồi. Đúng là mạng xã hội là nơi cho mấy đứa "ngu" thể hiện mà. Luật 7,5 triệu tính ra còn nhân đạo chán với bọn này

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vấn đề là nó thấy khó chịu vì niềm vui chung của đất nước, đấy là cái ích kỉ cá nhân. Ai mà chả tắc đường, tất nhiên là sẽ bức bối hơn, nhưng mọi người đều vì ngày vui này mà không tính toán gì cả. Mà bà nàytắc đường thôi thì khổ gì, những chiến sĩ đi duyệt binh kia mới là người khổ kìa, họ có kêu than và ghét bỏ ngày vui này không?

      Xóa
  3. Trăm ngàn người chiến sỹ đã ngã xuống để đổi lại một Việt Nam hòa bình như hôm nay, ngày nay thì lắm đứa tỏ vẻ khó chịu vì khẹt xe. Đặc biệt trường hợp cô MC của nhà đài SCTV thì tôi cũng không hiểu tầm tư duy và nhận thức của cô có ở trên mặt đất không mà lại có thể viết ra được những lời than phiền như vậy trên mạng xã hội nữa. Đúng là tự đạp đổ chính bát cơm của mình mà!

    Trả lờiXóa
  4. Hôm qua bạn mình trong Thành phố Hồ Chí Minh cũng bảo mất 1 tiếng rưỡi để bạn ấy về đến nhà thay vì 30p như thường ngày, và đương nhiên xung quanh mọi người đều thế. Nhưng bạn ấy rất hạnh phúc và tận hưởng những giây phút hòa bình của dân tộc, vẫn có cơ hội ngày ngày ngắm nhìn một đất nước độc lập, tự do, người dân hòa vào ngày đại lễ của dân tộc!

    Trả lờiXóa
  5. có những người có một chút fame cứ nghĩ ta đây là nổi tiếng, nghĩ là lời nói của mình rất có trọng lượng, đúng là thời đại mạng xã hội phát triển, nhiều người bị những lượt follow ảo làm cho mình ảo tưởng, sĩ dởm, thực dụng, quên đi giá trị văn hoá, lịch sử, đi ngược lại với lợi ích quốc gia dân tộc, đúng là thứ ích kỉ, tư bản

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog